Bitcoin (BTC) là gì? “Vàng kỹ thuật số” hay bong bóng đầu cơ?

Bitcoin (BTC) là gì? “Vàng kỹ thuật số” hay bong bóng đầu cơ?

Xuất hiện vào năm 2009 với đầy rẫy sự hoài nghi, Bitcoin đang dần trở thành một trong những loại tài sản có giá trị nhất thế giới. Thậm chí nó còn được mệnh danh là “vàng kỹ thuật số”, hàng rào chống lại lạm phát và bất ổn kinh tế.

Vậy thì Bitcoin (BTC) là gì? Bitcoin hoạt động như thế nào và có ưu nhược điểm ra sao? Liệu nó có thực sự là “vàng kỹ thuật số” hay không? Tất cả sẽ được CGFI Capital giải đáp thông qua bài viết sau! Anh em cùng theo dõi nhé!

Bitcoin là gì?

Bitcoin (BTC) là một loại tiền điện tử (Crypto) được tạo ra bởi một cá nhân hoặc tổ chức bí ẩn dưới cái tên Satoshi Nakamoto. Bitcoin xuất hiện lần đầu vào năm 2009 dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Cốt lõi của Bitcoin là tính phi tập trung, không có sự kiểm soát từ bất kỳ tổ chức hay chính phủ nào. Nó hoạt động dựa trên công nghệ Blockchain, một sổ cái phân tán ghi lại tất cả các giao dịch một cách công khai, minh bạch.

Bitcoin là đồng Crypto đầu tiên và lớn nhất cho đến ngày nay
Bitcoin là đồng Crypto đầu tiên và lớn nhất cho đến ngày nay

Với thiết kế kiến trúc độc đáo chưa từng có, Satoshi Nakamoto muốn biến Bitcoin thành công cụ loại bỏ sự kiểm soát của hệ thống ngân hàng trung ương. Đây cũng chính là lý do ra đời của đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới hiện nay – Bitcoin.

Tại thời điểm viết bài (ngày 6/8/2024), BTC đang có giá 56K$ và chiếm trên 55% giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường Crypto, bỏ xa các đồng xếp sau như ETH, USDT, BNB,…

Bitcoin giải quyết vấn đề gì?

Bitcoin ra đời ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, một sự kiện làm lộ rõ những vấn đề của hệ thống tài chính truyền thống, đó là quá phụ thuộc vào các tổ chức tài chính lớn và kém hiệu quả trong việc quản lý rủi ro.

Trong giai đoạn từ đỉnh điểm tháng 10/2007 đến tháng 3/2009, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã giảm hơn 50%, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu ghi nhận sụt giảm khoảng $30 nghìn tỷ USD.

Vào thời kì này, Lehman Brothers Bank, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất Hoa Kỳ đã sụp đổ vào tháng 9/2008, không những gây ra tổn thất nghiêm trọng cho khách hàng mà còn mang đến nhiều hệ luỵ tài chính cho các tổ chức liên quan. Đây là cú sốc lớn cho hệ thống tài chính toàn cầu, tạo ra hiệu ứng domino, khởi nguồn cho sự khủng hoảng trên diện rộng.

Với lý tưởng của Satoshi Nakamoto, không có lý do gì để mọi người phải trao quyền kiểm soát tài sản cho các ngân hàng hay bất kỳ tổ chức tài chính nào.

Điều này đã được thể hiện rõ thông qua Bitcoin, một giải pháp thay thế theo hướng phi tập trung, cho phép bất kì ai cũng có thể giao dịch trực tiếp với nhau thông qua mạng lưới phân tán, không cần bên trung gian, tăng cường sự minh bạch và công bằng.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới trong năm 2020, tổng phí chuyển tiền quốc tế rơi vào khoảng 500 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, đối với các khoản phí dịch vụ hàng tháng, phí duy trì tài khoản, phí rút tiền và phí giao dịch, tùy thuộc vào ngân hàng, tổng các loại phí này có thể lên đến hàng trăm USD mỗi năm/mỗi tài khoản người dùng.

Bitcoin giải quyết vấn đề nhức nhối này bằng cách tối giản hóa quy trình và giảm đáng kể chi phí giao dịch, từ đó có thể tạo ra một hệ thống thanh toán toàn cầu hiệu quả hơn.

Cuối cùng, với tổng cung cố định là 21 triệu đồng và không thể tạo ra thêm, Bitcoin được thiết kế để duy trì giá trị theo thời gian nhằm chống lại lạm phát. Điều này trái ngược với các loại tiền tệ truyền thống, chúng có thể bị lạm phát khủng khiếp và mất giá trị đi nhiều qua thời gian do chính phủ in tiền không giới hạn.

Hình ảnh minh họa sau đây cho thấy rõ việc đồng đô la Mỹ đã mất giá như thế nào sau hơn 100 năm.

Sức mua của 1$ giảm về gần 0 sau hơn 100 năm
Sức mua của 1$ giảm về gần 0 sau hơn 100 năm

Lịch sử ra đời và phát triển của Bitcoin

Những cột mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của Bitcoin bao gồm:

Năm 2008:

Vào ngày 31/10/2008, một người (hoặc nhóm người, tổ chức) dưới bút danh Satoshi Nakamoto đã công bố bản whitepaper có tên “Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System”.

Tài liệu này trình bày ý tưởng về một hệ thống tiền tệ kỹ thuật số phân quyền, không cần sự can thiệp của các tổ chức trung gian. Cụ thể, bản whitepaper mô tả cách Bitcoin hoạt động dựa trên công nghệ Blockchain và cơ chế đồng thuận PoW (Proof-of-Work).

Whitepaper của Bitcoin được công bố vào ngày 31/10/2008

 

Năm 2009:

Ngày 3/1/2009, Satoshi Nakamoto đã tiến hành khai thác khối đầu tiên (genesis block) của Bitcoin, được gọi là “Khối 0” hoặc “Khối Genesis”. Khối này có phần thưởng là 50 BTC, đánh dấu cho sự khởi đầu chính thức của mạng lưới Bitcoin.

Ngày 12/1/2009, Satoshi Nakamoto thực hiện giao dịch Bitcoin đầu tiên khi gửi 10 BTC cho nhà phát triển phần mềm Hal Finney.

Năm 2010:

Tháng 3/2010, ra mắt BitcoinMarket.com, sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên trên thế giới.

Tháng 5/2010, một lập trình viên tên là Laszlo Hanyecz đã chi 10.000 BTC để mua 2 chiếc pizza. Đây là giao dịch thanh toán đầu tiên bằng Bitcoin, một dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển của đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới. Thậm chí ngày 22/5 còn được cộng đồng crypto đặt tên là Bitcoin Pizza Day, cứ đến ngày này mỗi năm, mọi người sẽ ăn pizza để chúc mừng và tưởng nhớ cho cột mốc lịch sử này.

Năm 2011: Bitcoin bắt đầu thu hút sự chú ý từ cộng đồng và các nhà đầu tư, giá BTC lần đầu tiên vượt qua mức 1$ vào tháng 2/2011. Cũng trong năm đó, những cộng đồng nhà phát triển và người dùng Bitcoin đầu tiên đã xuất hiện, đồng thời có nhiều sàn giao dịch và dịch vụ liên quan đến Bitcoin ra đời.

Năm 2012: Sự kiện Bitcoin halving đầu tiên diễn ra vào tháng 11/2012, phần thưởng khối giảm một nửa từ 50 BTC xuống còn 25 BTC/khối.

Sự kiện Bitcoin halving đầu tiên diễn ra vào tháng 11/2012

Năm 2013: Bitcoin nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn và các phương tiện truyền thông. Giá BTC trong năm đó cũng lần đầu tiên vượt qua mốc 1000 USD vào tháng 11/2013.

Năm 2014: Vào tháng 2/2014, sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất ở giai đoạn đó là Mt. Gox tuyên bố phá sản sau khi bị hack và mất một lượng lớn BTC. Sự kiện này gây ra cú sốc lớn cho cộng đồng Bitcoin và đã trở thành vết đen trong thị trường Crypto cho đến tận ngày nay.

Năm 2015: Ra mắt Bitcoin Core, phần mềm chính thức được phát triển và duy trì bởi cộng đồng, dùng để khai thác và giao dịch Bitcoin.

Năm 2016: Vào tháng 7/2016, diễn ra sự kiện Bitcoin halving lần thứ 2, giảm phần thưởng khối từ 25 BTC xuống còn 12.5 BTC.

Năm 2017: BTC đạt mức cao kỷ lục gần 20,000 USD vào tháng 12/2017, đánh dấu một năm bùng nổ về giá trị và sự quan tâm lớn từ cộng đồng nhà đầu tư. Đây cũng là thời điểm chứng kiến sự ra đời của rất nhiều đồng altcoin và các ứng dụng dựa trên Blockchain.

Năm 2018 – 2019: Sau mùa uptrend đáng nhớ vào năm 2017, giá BTC đã giảm mạnh trong năm 2018 và kéo dài đến Q3/2020. Lần đầu tiên khái niệm “Mùa đông Crypto” được biết đến, phản ảnh sự giảm giá khủng khiếp của toàn bộ thị trường.

Năm 2020 – 2021:

Mùa uptrend tiếp theo đã diễn ra vào năm 2020 và 2021, BTC tăng giá cực mạnh, lập ATH mới ở 69,000 USD vào tháng 11/2021. Giai đoạn này chứng kiến sự quan tâm ngày càng gia tăng đến từ các tổ chức tài chính lớn, các quỹ đầu tư và sự chấp nhận của các công ty lớn như Tesla, PayPal, Microsoft,…

Tháng 10/2021, Bitcoin ETF (futures) đầu tiên được list trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc công nhận Bitcoin như một loại tài sản chính thống.

Năm 2022: Thị trường lao dốc, cơn ác mộng về mùa đông tiền điện tử ập tới, Bitcoin giảm về mốc 15k khi hàng loạt các yếu tố kinh tế, chính trị tác động tiêu cực như chiến tranh, lạm phát và lãi suất tăng cao,…

Năm 2023: BTC bắt đầu hồi phục sau thời gian dài chìm trong sắc đỏ khi lạm phát đã đạt đỉnh, có dấu hiệu quay đầu và sự tham gia tích cực của các ông lớn truyền thống thông qua việc nộp đơn đăng ký Bitcoin ETF Spot

Năm 2024:

Ngày 11/1/2024, SEC đã chấp thuận một loạt các đơn đăng ký cho Spot Bitcoin ETF trên thị trường Mỹ. Sự kiện mang tính lịch sử này có ý nghĩa rất lớn, khẳng định sự hợp pháp và mở rộng phạm vi tiếp cận của Bitcoin đối với các nhà đầu tư truyền thống.

Các Bitcoin ETF spot đầu tiên ở Hoa Kỳ đã được phê duyệt vào ngày 11/1/2024

Tháng 3/2024, sau 2 tháng kể từ khi Bitcoin ETF spot được phê duyệt, BTC đạt mức ATH mới ở 73,777 USD. (theo giá cặp BTC/USDT trên sàn Binance).

Tháng 4/2024, diễn ra sự kiện Bitcoin Halving lần thứ 4, phần thưởng khối giảm từ 6,25 BTC xuống còn 3,125 BTC.

Bitcoin hoạt động như thế nào?

Bitcoin hoạt động dựa trên công nghệ Blockchain và các nguyên tắc mã hóa, đồng thời sử dụng mạng lưới phi tập trung để xử lý và xác thực giao dịch. Trong đó:

Blockchain: Là một cuốn sổ cái phân tán bao gồm một chuỗi các khối (block) chứa các thông tin giao dịch.

Mã hóa: Bitcoin sử dụng các thuật toán mã hóa để bảo mật và xác thực giao dịch, cũng như đảm bảo tính toàn vẹn cho mạng lưới.

Mạng lưới phi tập trung: Bitcoin hoạt động trên một mạng lưới phi tập trung gồm nhiều node, không có một bên trung gian nào kiểm soát mạng lưới này.

Lưu trữ và giao dịch: Mọi hoạt động nhận, gửi và lưu trữ BTC đều được thực hiện thông qua ví Bitcoin và được xác nhận bởi các thợ đào (miner).

Bitcoin hoạt động dựa trên Blockchain và các nguyên tắc mã hóa

Khi có một giao dịch được yêu cầu từ ví Bitcoin, ví dụ gửi 1 BTC từ ví A sang ví B. Quy trình này diễn ra theo các bước như sau:

Tạo và ký giao dịch: Một giao dịch mới được tạo từ ví A bao gồm các thông tin về địa chỉ người nhận (chính là Public key), số BTC cần gửi và phí giao dịch. Sau khi khởi tạo yêu cầu, người gửi ký xác nhận giao dịch này bằng cách sử dụng Private key.

Gửi lên mạng lưới: Giao dịch sau khi được ký sẽ được gửi đến các node trong mạng lưới Bitcoin.

Kiểm tra giao dịch: Các node kiểm tra tính hợp lệ của giao dịch, bao gồm việc xác minh chữ ký, số BTC gửi đi, số dư tài khoản ví người gửi và việc giao dịch có bị trùng lặp hay không.

Thêm giao dịch vào block mới: Các giao dịch hợp lệ được đưa vào block mới mà miner đang khai thác.

Xác nhận khối: Khi một block mới được khai thác thành công, nó sẽ được gửi đến các node khác để kiểm tra và thêm vào Blockchain. Lúc này, các giao dịch trong block đó đã được xác nhận để hoàn tất giao dịch.

Cập nhật số dư trên ví: Số dư của ví người nhận (ví B) được cập nhật mới, hiển thị cộng thêm 1 BTC được gửi từ ví A.

Ưu và nhược điểm của Bitcoin

Ưu điểm

Tính phi tập trung: Việc hoạt động trên một mạng lưới phi tập trung, không phụ thuộc vào bất kỳ trung gian nào giúp Bitcoin giảm thiểu đáng kể rủi ro. Như trong ví dụ về Lehman Brothers Bank kể trên, chỉ một ngân hàng lớn sụp đổ nhưng đã tạo ra hiệu ứng domino, kéo theo khủng hoảng diện rộng.

Bảo mật cao: Bitcoin sử dụng các thuật toán mã hóa mạnh mẽ để bảo mật giao dịch và thông tin, giúp bảo vệ chống lại các cuộc tấn công và gian lận.

Giao dịch xuyên biên giới: Các ngân hàng thường tính phí chuyển tiền quốc tế khoảng từ 15$ đến 50$ cho mỗi giao dịch, các dịch vụ chuyển tiền quốc tế như Paypal cũng thu phí rất cao từ 3-5%. Trong khi đó, chi phí giao dịch trung bình của Bitcoin chỉ rơi vào khoảng từ 0.5$ đến 5$ (nếu nghẽn mạng có thể cao hơn), bất kể khối lượng giao dịch là bao nhiêu hay vị trí địa lý như thế nào.

Khả năng chống lại lạm phát: Nguồn cung Bitcoin được giới hạn ở mức 21 triệu, không thể có thêm nữa, càng không thể bị làm giả, điều này trái ngược hoàn toàn với tiền tệ pháp định. Khi nhu cầu ngày càng tăng lên, sự khan hiếm không những giúp duy trì giá trị mà còn là động lực tăng giá cho BTC theo thời gian.

Tính minh bạch: Tất cả các giao dịch trên mạng Bitcoin đều được ghi lại trong Blockchain công khai, bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra và xác minh thông tin. Không giống như các ngân hàng, chỉ chủ sở hữu tài khoản mới được quyền kiểm tra thông tin chi tiết về giao dịch.

Bitcoin là mạng lưới phi tập trung, minh bạch và bảo mật

Nhược điểm

Biến động giá cao: Đây là điểm đặc trưng của thị trường Crypto, dù là đồng coin có giá trị vốn hóa lớn nhất nhưng BTC vẫn có độ biến động giá khá cao. Điều này có thể gây ra tổn thất lớn cho các nhà đầu tư và người dùng khi mua Bitcoin ở vùng giá đỉnh của chu kỳ, cũng như rủi ro thanh lý rất cao với các trader sử dụng đòn bẩy margin để giao dịch.

Vấn đề tắc nghẽn mạng lưới: Dù Bitcoin có khả năng xử lý giao dịch nhanh với chi phí thấp nhưng mạng lưới vẫn dễ bị tắc nghẽn khi có nhu cầu sử dụng đột biến. Trong những trường hợp này, thời gian xử lý giao dịch có thể kéo dài và phí tăng cao hơn bình thường.

Bị giới hạn bởi quy định pháp lý: Bitcoin đang ngày càng được chấp nhận rộng rãi hơn, nhưng không phải trên tất cả các quốc gia. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã thực hiện nhiều lệnh cấm đối với Bitcoin và Crypto, họ không cho phép các hoạt động khai thác và giao dịch diễn ra trong nước. Một số quốc gia lớn khác cũng có quy định tương tự, nhiều nơi thì chưa có hoặc không quy định rõ ràng. Tất cả những điều này đang gây cản trở cho các nhà đầu tư truyền thống muốn gia nhập thị trường và các công ty Blockchain khó mở rộng phát triển.

Nguy cơ mất cắp tài sản: Nếu bị hack/để lộ Private key ví cá nhân hoặc thông tin tài khoản sàn đang lưu trữ crypto của mình, người dùng có thể bị chiếm đoạt ví và đánh mất tài sản bên trong. Điều này không chỉ gặp phải với mỗi Bitcoin mà còn đối với các loại crypto khác.

Tiêu tốn năng lượng: Để khai thác Bitcoin cần đến các thiết bị chuyên dụng có cấu hình cao và tiêu tốn nhiều năng lượng. Điều này có thể gây ra tác động tiêu cực đến môi trường, đây cũng là một trong số các lý do khiến nhiều người chỉ trích và phản đối Bitcoin.

Hệ sinh thái Bitcoin

Kể từ năm 2023, hệ sinh thái Bitcoin đã chứng kiến những sự thay đổi lớn về quy mô nhờ tính ứng dụng được mở rộng. Không chỉ còn là một loại tài sản lưu giữ giá trị, các nhà phát triển đã biến Bitcoin thành một nền tảng Layer 1 (L1) mạnh mẽ dành cho vô số ứng dụng, từ Layer 2 (L2), DeFi đến NFTs, BRC-20, Ordinals, Runes,…

Bitcoin ecosystem landscape 2024

L2

Tương tự như các L2 quen thuộc trên Ethereum, L2 trên Bitcoin được xây dựng nhằm mục tiêu mở rộng quy mô, tăng tốc độ giao dịch nhưng vẫn thừa hưởng tính bảo mật cao từ mạng chính Bitcoin, với chi phí xử lý giao dịch đã giảm đi đáng kể. Ngoài ra, các L2 còn có khả năng tương tác với smart contract, tạo điều kiện cho sự phát triển của một hệ sinh thái dApp tổng hợp.

Trong bối cảnh các hoạt động trên mạng lưới Bitcoin diễn ra ngày càng sôi động, nhất là từ khi BRC-20 và Ordinal bùng nổ, sự xuất hiện của L2 là rất cần thiết để khắc phục các nhược điểm về tốc độ và phí giao dịch của L1.

Một số dự án Bitcoin L2 điển hình bao gồm: Lightning Network, Merlin Chain (MERL), Stacks (STX), Rootstock, SatoshiVM (SAVM), B² Network, Mezo Network, Build on Bitcoin (BOB).

Các L2 ra đời nhằm mở rộng quy mô cho Bitcoin L1

DeFi

Sau khi Bitcoin triển khai bản cập nhật Taproot, các nhà phát triển đã có thể xây dựng smart contract, mở đường cho cho hệ sinh thái DeFi trên Bitcoin (BTC-Fi). Tuy nhiên, do một vài hạn chế về kiến trúc, rất khó để triển khai BTC-Fi trực tiếp trên L1, dẫn đến 2 hướng đi như sau:

Chuyển BTC lại thành dạng wrap-BTC (chẳng hạn như WBTC) để sử dụng trên các giao thức DeFi thuộc các chain khác như Ethereum, BNB chain,…

Xây dựng hệ sinh thái DeFi trên các giải pháp mở rộng như sidechain hoặc L2.

Ở cả 2 cách thì người dùng đều cần lock BTC trên L1 (chain gốc) thông qua smart contract, sau đó một lượng BTC tương ứng ở chain đích sẽ được mint ra để sử dụng cho các hoạt động DeFi.

Một số dự án BTC-Fi nổi bật là: Sovryn, Ren Protocol, Alex, Portal Finance, Babylon,…

Babylon là nền tảng DeFi cho phép stake Bitcoin

Ordinals & BRC-20

Ordinals là một giao thức mới trên Bitcoin, dùng để gán số thứ tự cho các đơn vị satoshi (đơn vị nhỏ nhất của BTC). Tính năng này giúp mở rộng khả năng của Bitcoin, ngoài các giao dịch cơ bản với BTC, nó còn có thể xử lý các loại tài sản và dữ liệu khác phức tạp hơn.

Ứng dụng phổ biến nhất của Ordinals là tạo ra các NFTs (non-fungible tokens – token không thể thay thế) và Fungible token (token có thể được thay thế) trên Bitcoin. BRC-20 là một tiêu chuẩn token trên Bitcoin, tương tự như ERC-20 trên Ethereum. BRC-20 dùng để tạo và quản lý các Fungible token trên Bitcoin thông qua giao thức Ordinals.

Theo cách gọi thông thường, NFT trên Bitcoin được gọi là Ordinal Inscriptions, Ordinals hoặc Bitcoin Ordinals, còn Fungible token trên Bitcoin được gọi là token BRC-20.

Ordinals là một giao thức mới trên Bitcoin

Dù chỉ mới xuất hiện nhưng Ordinals và token BRC-20 đã sớm cho thấy sức hút mạnh mẽ đối với cộng đồng. Chỉ sau 2 tháng ra mắt, trên thị trường đã xuất hiện hơn 24.000 token BRC-20 & Ordinals với tổng vốn hóa hơn 500M$ (ngày 17/5/2023).

Tính đến thời điểm viết bài, tổng giá trị vốn hóa thị trường của BRC-20 & Ordinals vẫn duy trì trên mốc 1,2B$, dẫn đầu đang là 3 cái tên SATS (1000SATS), ORDI (ORDI) và Bitcoin Wizards (WZRD).

Runes

Runes được xem là bản nâng cấp của Ordinals với mục đích thay thế cho tiêu chuẩn token BRC-20. Giao thức này được sử dụng để tạo ra các Fungible token trên mạng Bitcoin, nếu như BRC-20 dựa trên Ordinals thì Runes sử dụng mô hình UTXO với nhiều điểm tối ưu hơn.

Được tạo ra bởi Casey Rodarmor, cha đẻ của chính giao thức Ordinals, Runes cũng từng tạo ra cơn sốt nhẹ ở giai đoạn trước và sau Halving khi ra mắt vào tháng 4/2024. Tính đến thời điểm viết bài, tổng giá trị vốn hóa thị trường của Runes đạt trên 300M$, phần lớn đến từ token DOG.

Có nên đầu tư vào “vàng kỹ thuật số” Bitcoin?

Bitcoin đã chứng minh tiềm năng tăng giá mạnh trong quá khứ. Từ năm 2010 đến nay, giá BTC đã tăng từ vài cent lên đến hàng chục nghìn đô la, mức tăng giá không tưởng đối với một loại “tiền ảo”. Rõ ràng, tiềm năng lợi nhuận của Bitcoin là rất lớn, liệu anh em có nên bỏ qua một cơ hội tốt như vậy?

Bên cạnh đó, Bitcoin có thể giúp chúng ta đa dạng hóa danh mục đầu tư, ngoài các loại tài sản truyền thống như bất động sản, vàng, chứng khoán,… Đây là chiến lược phân tán rủi ro hiệu quả nhờ giảm sự phụ thuộc vào một số loại tài sản nhất định.

Ngoài ra, việc lưu trữ, sử dụng và di chuyển Bitcoin cũng dễ dàng hơn nhiều so các tài sản vật lý như tiền pháp định, vàng, bạc,… Bitcoin có thể được giao dịch và đầu tư từ bất kỳ đâu trên thế giới, không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia hoặc bất kỳ hệ thống tài chính nào.

Cuối cùng, đây còn được xem là một cơ hội đầu tư sớm vào loại tài sản mới đầy tiềm năng. Thế giới luôn đổi thay và công nghệ thì tiến bộ một cách thần tốc, lịch sử cũng đã chứng minh những thương hiệu cũ hoàn toàn có thể bị lỗi thời.

Chẳng phải đế chế Nokia đã chỉ còn là quá khứ, còn tương lai là của Apple và Samsung, hay Internet Explorer gần như đã bị khai tử sau khi Chrome và Firefox xuất hiện. Do đó Bitcoin, đại diện ưu tú cho công nghệ Blockchain tiên tiến, hoàn toàn có thể trở thành một loại tài sản đáng giá và được công nhận của thế hệ mới.

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng giá BTC thường dao động mạnh, giá trị của nó thiếu tính ổn định. Sự biến động này có thể mang lại lợi nhuận lớn nhưng cũng đi đôi với nguy cơ thua lỗ nếu không hiểu bản chất của nó và đầu tư không có kế hoạch.

Tóm lại, Bitcoin là loại tài sản có tiềm năng lớn, đáng để cân nhắc đầu tư trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, mỗi người cũng cần đánh giá đúng khả năng tài chính của bản thân, cần có kiến thức và kế hoạch kiểm soát rủi ro thì mới có khả năng kiếm lời được từ Bitcoin và tồn tại ở thị trường này.

Bitcoin có phải là bong bóng đầu cơ?

Đây là một câu hỏi gây tranh cãi, và thực ra thì câu trả lời phụ thuộc vào cách nhìn nhận của từng người về giá trị và tiềm năng của Bitcoin. Một số người cho rằng Bitcoin là bong bóng đầu cơ, sẽ “nổ tung” trong sớm muộn. Theo đó, giá BTC đã tăng quá cao và thường xuyên biến động mạnh chỉ trong thời gian ngắn.

Lợi dụng điều này, nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường chủ yếu để kiếm lời ngắn hạn, họ không có ý định sử dụng Bitcoin như một công cụ thanh toán hay lưu trữ giá trị. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng sơ khai, chưa có đầy đủ quy định rõ ràng, thậm chí còn bị cấm ở một số quốc gia, những yếu tố này lại càng làm gia tăng yếu tố đầu cơ đối với Bitcoin.

Một số người cho rằng Bitcoin là bong bóng đầu cơ

Ngược lại, nhiều người cho rằng Bitcoin hoàn toàn không giống một bong bóng đầu cơ, mà là một công nghệ đổi mới có tiềm năng cao. Bằng chứng là sự chấp nhận ngày càng rộng rãi của Bitcoin từ các quốc gia, công ty, tổ chức tài chính lớn.

Nhìn chung thì Bitcoin vẫn có thể được coi là một bong bóng đầu cơ bởi một số yếu tố nhất định, nhưng nó cũng mang lại những giá trị dài hạn và có tiềm năng phát triển rất lớn.

Những câu hỏi thường gặp về Bitcoin

  1. Đào Bitcoin là gì?

Đào Bitcoin là quá trình xác thực giao dịch và ghi chúng vào Blockchain bằng cách giải các thuật toán phức tạp. Những người tham gia đào Bitcoin được gọi là thợ đào (miner), họ cạnh tranh nhau để giải thuật toán, xác thực giao dịch và nhận phần thưởng BTC.

  1. Làm sao để đào Bitcoin?

Để đào Bitcoin, anh em cần sử dụng các “máy đào” chuyên dụng (chằng hạn như máy ASIC của Bitmain sản xuất), cài đặt phần mềm, tham gia các hội nhóm để cùng nhau đào và chia sẻ phần thưởng BTC. Lưu ý là đào Bitcoin đòi hỏi phải có kiến thức kỹ thuật vững chắc, do đó anh em nên tìm hiểu kỹ trước khi tham gia.

  1. Mua Bitcoin bằng cách nào?

Anh em chỉ cần đăng ký và xác thực tài khoản (nếu được yêu cầu) trên bất kỳ sàn giao dịch nào (ưu tiên các sàn uy tín như Binance, OKX, Bitget, Bybit) là đã có thể mua được BTC. Có 2 cách mua BTC phổ biến:

Mua USDT bằng tiền Việt trên các sàn P2P, sau đó dùng USDT để BTC.

Mua trực tiếp BTC bằng tiền Việt trên các sàn P2P.

  1. Lưu trữ Bitcoin ở đâu?

Anh em có thể lưu trữ BTC trên các loại ví sau:

Các ứng dụng hoặc phần mềm ví non-custody hỗ trợ mạng Bitcoin được cài trên máy tính hoặc điện thoại. Ví dụ: Xverse Wallet, Exodus, Electrum.

Các thiết bị phần cứng, chuyên dụng để lưu trữ Bitcoin, được gọi là ví lạnh sử dụng được cả online và offline, rất an toàn khi cần hodl lâu dài. Một số ví phổ biến có: Ledger Nano S/X, Trezor.

Các ứng dụng, dịch vụ ví Bitcoin trên Website hoặc App điện thoại, chúng dễ sử dụng nhưng ít bảo mật hơn. Ví dụ: Coinbase Wallet, Blockchain.info.

Ví sàn giao dịch, anh em có thể lưu trữ BTC ngay trên các sàn giao dịch, nhưng chỉ nên chọn các sàn uy tín (Binance, Coinbase,…) và duy trì số lượng vừa phải, để an toàn thì không nên giữ quá nhiều, đề phòng trường hợp sàn gặp sự cố không cho rút đi được.

Loại ví bằng giấy với nội dung chứa Private key và Public key, loại này cũng offline và bảo mật cao.

  1. BTC Dominance là gì?

BTC Dominance (BTC.D) (tỷ lệ thống trị của Bitcoin) là chỉ số được tính bằng tỷ lệ giá trị vốn hóa thị trường của BTC so với tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường Crypto.

Chỉ số này giúp nhà đầu tư theo dõi sức mạnh và đánh giá mức độ ảnh hưởng của Bitcoin đến altcoin, cũng như dự đoán xu hướng thị trường.

Tổng kết

Thị trường Crypto đã và đang phát triển rất mạnh mẽ với hàng chục nghìn altcoin mới, tiên tiến hơn ra đời, trong bối cảnh đó, Bitcoin vẫn luôn giữ vững vị thế số 1 về giá trị trong suốt chiều dài lịch sử.

Dù mang một số yếu tố có tính đầu cơ, nhưng Bitcoin vẫn là lựa chọn tốt giành cho những ai đang tìm kiếm một kênh đầu tư hấp dẫn, lợi nhuận tốt và có giá trị đổi mới trong dài hạn. Dù không còn mới mẻ nhưng Bitcoin và thị trường Crypto vẫn còn rất tiềm năng, đây có thể là một cơ hội lớn nếu anh em biết nắm bắt, có kiến thức, kinh nghiệm và chiến lược đầu tư đúng đắn.

Anh em nghĩ sao về Bitcoin? Liệu nó có phải là “Vàng kỹ thuật số” hay chỉ là một loại bong bóng đầu cơ có thể nổ tung trong tương lai?

Lưu ý: Nội dung bên trên không phải là lời khuyên đầu tư. Anh em chỉ nên tham khảo và tự mình tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Hãy là nhà đầu tư có trách nhiệm với tài sản của mình, chúc anh em thành công!